Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cô cậu học trò mè nheo, cáu kỉnh khi phải đối mặt với việc quay trở lại trường học sau những ngày vui chơi thả ga. Tưởng rằng nó cũng giống như cảm xúc bộc phát nhất thời nhưng rất có thể lại là dấu hiệu cho thấy con trẻ đang mắc phải hội chứng tâm lý bất thường.
Những cảm giác lo lắng, bồn chồn, sợ hãi ở trẻ thường sẽ xuất hiện nhiều vào thời gian phải đi học lại sau kỳ nghỉ dài hoặc chuyển tiếp giữa các cấp tạo ra không ít rắc rối cho các bậc phụ huynh. Nếu đêm trước ngày tới trường, bạn nhân ra con trẻ có những biểu hiện như khóc lóc, giận dữ, phàn nàn về đau đầu hay đau bụng, tự tách biệt khỏi mọi người, ủ rũ, cáu kỉnh thì có lẽ là vì trẻ đang cố gắng đấu tranh với vô vàn nỗi sợ hãi đang bủa vây trong đầu:
- Ai sẽ là giáo viên mới của mình?
- Mình có thể gặp lại những người bạn cũ trong lớp không?
- Liệu rằng những người bạn mới có thích mình không?
- Quần áo của mình có đẹp không?
- Ôi! Trông mình thật xấu?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu mình không thể theo kịp các bạn?
-
Điều gì sẽ xảy ra nếu có chuyện không hay xảy ra với bố mẹ khi mình đi học?
Mặc dù những điều đứa trẻ lo lắng hoàn toàn có cơ sở nhưng về lâu dài, chúng sẽ biến thành trở ngại tâm lý khiến việc đến lớp của con rất khó khắn. Việc trốn tránh trường học sẽ chỉ làm nỗi sợ hãi tích tụ dần theo thời gian, chưa kể sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá như:
- Phát triển và rèn luyện các kỹ năng xã hội.
- Được mọi người khen ngợi và công nhận tài năng.
- Bồi dưỡng tình bạn thân thiết với các bạn cùng lớp.
Vậy làm thế nào để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ đến trường? Dưới đây là một số gợi ý mà phụ huynh có thể áp dụng để đối phó và cũng con vượt qua rào cản tâm lý này.
1. Xây dựng thời gian biểu sinh hoạt cho trẻ
Một điều có thể dễ dàng nhận ra đó là trẻ em lo lắng thường bỏ bữa và mất ngủ. Vì vậy trong khoảng thời gian này, bạn nên để tâm theo dõi cũng như thường xuyên cung cấp bữa phụ bổ dưỡng, xây dựng các thói quen sinh hoạt lành mạnh như đi ngủ sớm, dậy sớm, lịch trình ăn uống để dễ dàng dự đoán những biểu hiện khác của trẻ.
2. Khuyến khích các con nói ra điều sợ hãi của mình
Bố mẹ chính là những người bạn đồng hành tuyệt vời nhất của con, vì vậy bạn hãy khuyến khích trẻ chia sẻ những nỗi lo lắng thường trực trong tâm trí chúng đồng thời nói rằng điều đó thực chất hoàn toàn bình thường. Trước và trong vài tuần đầu tiên đến trường, Phụ huynh nên thiết lập thời gian và địa điểm thường xuyên để tâm sự bởi một số trẻ cảm thấy thoải mái nhất trong không gian riêng tư (chẳng hạn như trước khi đi ngủ hoặc trong giờ ăn, khi ở trên xe, lúc đang đi dạo).
3. Thay vì trốn tránh, hãy giúp con vượt qua nỗi sợ đó
Trẻ thường tìm cách trấn an bản thân để giảm bớt sự lo lắng của chúng, cách này không xấu, tuy nhiên nó chỉ là biện pháp tạm thời bởi nỗi sợ hãi vẫn thường trực xung quanh chúng. Thay vì trốn tránh, hãy giúp khuyến khích con bạn nghĩ cách giải quyết vấn đề, ví dụ, nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, con có thể làm gì? Hãy nghĩ về vài phương án xử lý tình huống đó. Đây là cơ hội tuyệt vời để hướng dẫn trẻ đối phó cả hai tình huống thực tế và tưởng tượng, đương nhiên hành trình này vẫn cần bố mẹ đứng phía sau, nói những lời động viên giúp trẻ tự tin bước về phía trước: “Con không cô đơn như con vẫn nghĩ”, “Đừng sợ, bố mẹ luôn ở bên con”, “Bố mẹ tự hào về con”…
Và dưới đây là một kịch bản mẫu để hướng con bạn vào việc giải quyết vấn đề và lập kế hoạch (thay vì đưa ra sự trấn an tạm thời):
a. Cùng con nhập vai vào một số tình huống cụ thể
Đôi khi, việc nhập vai vào một tình huống nhất định với con có thể giúp trẻ cảm thấy tự tin rằng mình hoàn toàn đủ khả năng xử lý tình huống. Ví dụ, hãy để con bạn đóng vai một giáo viên khó tính hoặc kẻ bắt nạt bạn cùng lớp, sau đó ứng xử phù hợp giúp chúng trở nên bình tĩnh.
b. Hướng dẫn con tập trung vào những điều tích cực
Các bậc phụ huynh nên nắm tay đứa trẻ của mình thoát ra khỏi những lo lắng và hướng tới điều tích cực. Ví dụ, bạn có thể hỏi con: “Ba điều làm con cảm thấy thích nhất trong ngày đầu tiên đến trường là gì?” Hầu hết trẻ em sẽ nghĩ về điều tốt, kể cả khi nó chỉ ăn một bữa nhẹ hoặc lên xe về nhà vào cuối ngày. Điều này thực sự rất quan trọng bởi các niềm vui thích thường bị che lấp bởi nỗi sợ hãi vô hình đè nặng trong tâm trí.
c. Các phụ huynh cũng nên để ý đến các hành vi của mình
Khi chính bạn cũng đang cảm thấy mất phương hướng, lo lắng, sợ hãi trẻ em sẽ nhận ra điều đó, vì vậy bạn càng tự tin thoải mái khi làm gương, thì trẻ sẽ hiểu rằng không có lý do gì để sợ. Ví dụ, thời điểm nói lời chào tạm biệt vào buổi sáng hãy nói bằng giọng điệu vui vẻ và đảm bảo bạn không mềm lòng trước những giọt nước mắt để rồi đồng ý cho chúng nghỉ học: “Bố/mẹ biết con đang cảm thấy lo lắng, hãy nói xem nó là điều gì và chúng mình sẽ cùng nhau giải quyết nó nhé.”
4. Kế hoạch bạn cần thực hiện để cùng con vượt qua nỗi sợ
a. Một tuần trước khi đến trường
- Bắt đầu xây dựng thói quen mới cho con sau quãng thời gian nghỉ lễ dài như giờ ăn, giờ học, giờ đi ngủ, giờ thức dậy, đồng thời đề nghị các thành viên trong gia đình điều chỉnh theo lịch trình mới để trẻ không cảm thấy cô đơn, lạc lõng trước sự thay đổi này.
- Đối với những đứa trẻ lớn hơn gặ khó khăn khi bước ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng, hãy mua tặng chúng một chiếc đồng hồ báo thức và để chúng tự thực hành sử dụng.
- Cùng nhau lên danh sách các đồ dùng học tập cần chuẩn bị và đặt kế hoạch cho chuyến mua sắm vui vẻ.
- Dạy và thực hành với con các kỹ năng đối phó với sự lo lắng.
b. Một vài ngày trước khi đến trường
- Dành thời gian đưa con đến trường bằng cách lái xe hoặc đi bộ, bên cạnh đó, bạn cũng nên hướng dẫn trẻ đi xe buýt, mô tả các tuyến đường, đi qua nhũng địa điểm nào, mất bao lâu thì tới nơi.
- Xin phép được vào tham quan trường vào ngày cuối tuần, chỉ cho con các lớp học, căn - tin và nếu có thể, hãy sắp xếp gặp giáo chủ nhiệm để trẻ không bị bỡ ngỡ.
- Gợi ý cho con tự chọn trang phục cho tuần đầu tiên đến trường, việc để chúng mặc trang phục yêu thích sẽ tăng thêm sự tự tin.
- Cùng với con của bạn chuẩn bị đồ ăn trưa tại trường vào tối ngày hôm trước.
c. Ngày đầu tiên trở lại trường
- Cho con đi học với một vài người bạn trong vài ngày đầu tiên
- Nói với giáo viên rằng con bạn đang có một số nỗi sợ sẽ bị tách biệt để nhận được sự tư vấn.
- Quan trọng nhất là không tiếc lời khen ngợi và khen thưởng con bạn vì đã cố gắng đối diện với nỗi sợ của chính mình.
Theo Anxiety Canada