Ý NGHĨA VÀ NỘI DUNG PHÁT TRIỂN LỜI NÓI MẠCH LẠC CHO TRẺ TỪ 5 ĐẾN 6 TUỔI
Trẻ 5-6 tuổi có kiểu tư duy trực quan - hình tượng. Để thực hiện kiểu tư duy này, trẻ phải hiểu được các sự kiện có liên quan đến trực quan - hình tượng và dùng ngôn ngữ để lập luận, giải thích cho người nghe hiểu. Để diễn tả trình tự diễn biến của một hiện tượng, trẻ dùng ngôn ngữ kết hợp với phân tích tư duy.
Phát triển lời nói mạch lạc (LNML) có ý nghĩa như thế nào với trẻ?
Việc phát triển lời nói mạch lạch cho trẻ mang lại nhiều ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của trẻ, bao gồm một số ý nghĩa sau:
- Phát triển lời nói mạch lạc (LNML) giúp trẻ 5-6 tuổi phát triển tư duy, bao gồm cả tư duy trực quan hình tượng và tư duy logic.
- Nhờ LNML, rõ ràng, mọi người xung quanh hiểu được trẻ cần gì, nghĩ gì.
- LNML còn là phương tiện để hình thành và phát triển tư duy logic ở mức độ cao hơn.
- Phát triển LNML giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, mở rộng phạm vi giao tiếp, từ đó nhận thức thế giới xung quanh đầy đủ và chính xác. Khi nói rõ ràng, mạch lạc, trẻ càng có nhu cầu giao tiếp với mọi người xung quanh, luôn mong muốn diễn đạt để mọi người hiểu, đồng cảm với cảm xúc, tình cảm của trẻ. Phạm vi giao tiếp mở rộng, tri thức của trẻ được nâng cao, trẻ càng có nhu cầu giao tiếp, trò chuyện và giãi bày suy nghĩ, tình cảm của mình.
- Phát triển LNML giúp trẻ phát triển mạnh về tình cảm, xúc cảm. Ngoài mong muốn chia sẻ, trao đổi thông tin, trẻ 5-6 tuổi còn có nhu cầu thể hiện cảm xúc, tình cảm bản thân. Phạm vi và đối tượng giao tiếp được mở rộng khiến trẻ trở nên mạnh dạn, tự tin hơn khi được bày tỏ tình cảm, thể hiện nhu cầu, mong muốn, suy nghĩ của bản thân với sự vật, hiện tượng và mọi người xung quanh. Trong quá trình giao tiếp, đặc biệt khi tham gia trò chơi đóng vai, trẻ có nhu cầu thể hiện quan điểm cá nhân qua các vai chơi. Khi tham gia các cuộc đối thoại, trẻ biết lắng nghe hoặc phản biện và có nhu cầu thể hiện tình cảm vui, buồn, đồng ý hoặc không đồng ý với những trải nghiệm mà trẻ tham gia. Vì vậy, phát triển LNML kịp thời sẽ giúp trẻ phát triển xúc cảm, tình cảm một cách mạnh mẽ.
- Phát triển LNML cho trẻ làm tiền đề tạo lập các diễn ngôn ở dạng viết cho bậc học tiếp theo. Việc hình thành và phát triển cho trẻ các kĩ năng nói đúng chủ đề, kể câu chuyện có tính logic, bố cục và kĩ năng sử dụng các phương tiện liên kết câu… sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc tạo diễn ngôn dạng viết trong hoạt động học tập, là sự chuẩn bị tốt cho giai đoạn chuyển tiếp từ bậc học mầm non lên cấp tiểu học của trẻ 5-6 tuổi. Những kĩ năng nói mạch lạc sẽ được trẻ vận dụng trong quá trình tạo lập văn bản. Chính vì thế, tư duy hợp lí và LNML, rõ ràng có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình tạo văn bản viết.
Như vậy, việc phát triển LNML cho trẻ 5-6 tuổi có vai trò quan trọng đối với việc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1.
Thế nào là lời nói mạch lạc?
Theo tác giả Diệp Quang Ban (2005): “mạch lạc là sự nối kết có tính chất hợp lí về mặt nghĩa và về mặt chức năng, được trình bày trong quá trình triển khai một văn bản (như một truyện kể, một cuộc thoại, một bài nói hay bài viết…), nhằm tạo ra những sự nối kết với nhau hơn là sự liên kết câu với câu. Ở đây, các yếu tố: sự kết nối -tính chất hợp lí - nghĩa - mặt chức năng - những sự kiện kết nối với nhau là những yếu tố cốt lõi của khái niệm “mạch lạc” trong một diễn ngôn.
Trên cơ sở cách hiểu khái niệm “lời nói” và “mạch lạc” như trên, chúng ta có thể hiểu rằng: LNML là sản phẩm của hoạt động nói năng, ở đó người nói diễn đạt rõ ràng, lưu loát, có sự kết nối hợp lí về ý nghĩ, cảm xúc hay một nội dung/chủ đề nhất định để đạt được sự thông hiểu của người nghe.
Các nội dung phát triển lời nói mạch lạch cho trẻ bao gồm những gì?
- Phát triển ngôn ngữ nói - tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển LNML: phát triển vốn từ và khả năng sử dụng từ trong câu; giúp trẻ nói đúng ngữ pháp, biết nói nhiều loại mẫu câu tiếng Việt.
- Hình thành và phát triển khả năng nói/kể chuyện theo chủ đề. Yêu cầu đối với khả năng nói/kể chuyện theo chủ đề bao gồm: 1) Trẻ nói/kể chuyện đầy đủ nội dung; 2) Lời kể của trẻ rõ ràng, hướng đến chủ đề; 3) Câu chuyện trẻ kể có tính logic về nội dung và bố cục. Trong từng đơn vị câu, trẻ nói rõ ràng, đúng ngữ pháp, nhưng các câu nói của trẻ không cùng hướng đến một chủ đề cụ thể, thì chưa được gọi là LNML.
- Giáo dục chuẩn mực ngữ âm và sử dụng các phương tiện biểu cảm khi nói/kể chuyện. Cần có kế hoạch và ý thức trong việc giáo dục trẻ về ngữ âm và sử dụng các phương tiện biểu cảm khi nói cho trẻ, bằng cách dùng các câu nói với âm thanh, ngữ điệu khác nhau, kết hợp với những sắc thái cảm xúc của người nói.
- Có thể xây dựng các bài tập/trò chơi/tình huống nhằm phát triển LNML cho trẻ với yêu cầu như sau: Kể lại những hoạt động đã trải nghiệm; Mô tả những sự vật, hiện tượng, hoạt động trẻ thích; Sáng tác truyện theo kinh nghiệm; Kể chuyện theo tranh/ảnh; Chơi trò chơi đóng kịch theo các nhân vật trải nghiệm ngoài trời; Kể chuyện sáng tạo.
Tài liệu tham khảo
Bộ GD-ĐT (2009). Chương trình Giáo dục mầm non (Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).
Bộ GD-ĐT (2016). Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình Giáo dục mầm non. Diệp Quang Ban (2005).
Diệp Quang Ban (2005). Ngữ pháp tiếng Việt. NXB Giáo dục.
Đinh Hồng Thái (2015). Phát triển ngôn ngữ tuổi mầm non. NXB Đại học Sư phạm.
Trần Thị Lệ Dung (2015). Thiết lập môi trường ngôn ngữ cho trẻ, năng lực cần rèn luyện ở giáo viên mầm non.