Khi con chuẩn bị vào lớp 1, hẳn bố mẹ nào cũng mong muốn tìm những cách giúp trẻ đọc hiểu tốt để con có nền tảng vững chắc, đạt kết quả cao trong quá trình học tập. Bố mẹ hãy tham khảo các cách đơn giản dưới đây nhé!
1. Tạo ra sự kết nối
Khi nhận thấy những gì mình đang đọc có một điểm nào đó liên quan đến những gì mình đã biết, thì trẻ sẽ tập trung đọc và hiểu rõ hơn. Do vậy, trong quá trình đọc sách cùng trẻ, bố mẹ nên bổ sung thêm về những chi tiết mà trẻ có thể đã biết. Ví dụ, nếu cuốn sách có nhắc tới địa danh mà bố mẹ và trẻ đã từng tham quan, bố mẹ có thể dừng lại một chút và cùng con ôn lại những kỷ niệm liên quan đến địa danh đó. Lúc này, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú và tò mò hơn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong câu chuyện.
2. Thường xuyên đặt câu hỏi
Hãy hỏi trẻ thật nhiều để khuyến khích con nhớ và tìm lại những thông tin mà mình vừa đọc được. Bố mẹ cũng nên hỏi những câu để kích thích trí tưởng tượng và sự tò mò của trẻ, ví dụ như: “Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?” hay “Không biết bạn gấu trong truyện đang cảm thấy thế nào nhỉ?”. Qua cách này, bố mẹ sẽ giúp trẻ đọc tốt và nhanh hơn rất nhiều.
3. Khuyến khích trẻ hình dung
Việc hình dung sẽ giúp câu chuyện sống động hơn rất nhiều. Do đó, khi đọc truyện cho trẻ, bố mẹ hãy mô tả chi tiết hơn về những tình tiết trong truyện, nói cho trẻ biết cảnh đó khiến bố mẹ cảm thấy như thế nào.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cùng trẻ vẽ lại một vài cảnh đặc biệt nhất của câu chuyện. Đây vừa là cách giúp trẻ đọc hiểu tốt hơn, lại vừa khuyến khích sự phát triển tư duy và não bộ và giúp trẻ sáng tạo hơn. Trẻ sẽ rất thích thú khi vừa được học đọc vừa được học vẽ cùng lúc đấy bố mẹ ạ!
4. Giúp trẻ đoán về tình huống trong truyện
Trong quá trình đọc sách, bố mẹ có thể kết nối những chi tiết trong truyện với những gì trẻ đã biết. Ví dụ, câu chuyện mô tả: “Mắt bạn Mi đỏ lên. Bạn còn bị chảy nước mũi”, thì bố mẹ và trẻ có thể suy ra rằng bạn Mi đã bị cảm cúm hoặc dị ứng. Hoặc khi có nhân vật mặc đồ thể thao và đổ mồ hôi, bố mẹ có thể bảo trẻ đoán xem trước đó bạn ấy có thể đã tham gia vào hoạt động gì. Đây là cách rất hữu hiệu giúp hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng đọc hiểu.
5. Chỉ ra những điều quang trọng và giúp trẻ hiểu những gì trẻ đọc
Bố mẹ có thể hỏi trẻ ai là nhân vật chính trong câu chuyện, điều đáng chú ý nhất diễn ra trong truyện là gì, các nhân vật trong truyện đang cố gắng tìm cách giải quyết cho vấn đề gì?
Khi trẻ chỉ ra được những sự kiện quan trọng trong truyện thì tức là con gần như đã hiểu toàn bộ những gì mình đã nghe, đã đọc. Trong quá trình đọc, nếu có chi tiết nào trẻ chưa hiểu rõ, bố mẹ hãy cùng trẻ đọc lại và giải thích cho trẻ hiểu.
6. Thử những điều mới lạ
Càng biết nhiều điều về thế giới xung quanh, trẻ sẽ càng dễ dàng hiểu những câu chuyện mà mình đọc. Không nhất thiết phải chi trả quá nhiều kinh phí cho những chuyến đi chơi đắt đỏ, bố mẹ có thể giúp trẻ trau dồi kiến thức và vốn từ vựng qua nhiều cách khác nhau. Ví dụ như việc chơi bóng đá hay bóng rổ cùng bố mẹ hay bạn bè sẽ giúp trẻ mở rộng kiến thức và hứng thú hơn với những cuốn sách liên quan đến thể thao.
Nguồn: odphub.com