Hotline: 0938061133

Tin tức

Liên hệ với Rồng Việt School
Liên hệ

Liên hệ với Rồng Việt School

Công ty Cổ phần Trường học Giáo dục Rồng Việt - Rồng Việt Education School - RVES - là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giáo dục. Mục tiêu duy nhất là tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất giúp thế hệ trẻ tìm ra được tài năng và phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân.

BIỆN PHÁP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ KHOA HỌC  NHẰM PHÁT TRIỂN VỐN TỪ CHO TRẺ MẪU GIÁO

Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng để giao tiếp và nhận thức thế giới, nên việc giáo dục ngôn ngữ cho trẻ phải bắt đầu từ rất sớm. Trong đó, vốn từ được xem là nền móng cơ bản để phát triển ngôn ngữ cho trẻ lứa tuổi mầm non. Nhiệm vụ phát triển vốn từ (PTVT) được thực hiện tích hợp trong tất cả các hoạt động ở trường mầm non, trong đó khám phá khoa học (KPKH) là một trong những hoạt động có nhiều lợi thế. Đối tượng KPKH là thế giới động vật, thực vật, các hiện tượng tự nhiên, đồ vật và chính bản thân trẻ (Bộ GD-ĐT, 2017). Ở đó, có những điều mới mẻ, gây sự ngạc nhiên khiến trẻ tò mò muốn tìm tòi khám phá; trẻ được tiếp xúc thực tế, gắn sự vật, hiện tượng với từ cụ thể. Thông qua hoạt động KPKH, trẻ học được tên gọi, đặc điểm, sự biến đổi… và mô tả lại bằng ngôn ngữ các sự vật hiện tượng đó, nhờ vậy mà trẻ tích lũy được vốn từ phong phú.

Tổ chức hoạt động khám phá khoa học là quá trình thực hiện những thao tác cụ thể giúp trẻ thăm dò, tìm tòi cái mới, những điều chưa biết về bản thân, đồ vật, thực vật, động vật, hiện tượng tự nhiên bằng các hoạt động quan sát, so sánh, phân loại, thử nghiệm, làm thí nghiệm đơn giản, dự đoán, suy luận, thảo luận, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định..., để thông qua đó trẻ tích lũy được số lượng từ, hiểu nghĩa của từ và hình thành cách sử dụng từ trong các ngữ cảnh giao tiếp khác nhau.

dạy con tu giac hoc 03

Một số biện pháp tổ chức hoạt động khám phá khoa học nhằm phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo, có thể liệt kê như sau:

- Về sử dụng bài tập, trò chơi, thí nghiệm... trong quá trình cho trẻ KPKH nhằm PTVT: E.I.Tikheeva cho rằng, con đường duy nhất để mở rộng vốn từ ở trẻ chính là có được kinh nghiệm và thường xuyên quan sát, cho nên trẻ cần được quan sát với vật thật và biết được các đặc tính của nó. Sử dụng biện pháp này chính là thực hiện trò chơi, tham quan, quan sát vật thật, tranh ảnh, kể chuyện.

Nếu người lớn quan tâm đến việc quan sát mở rộng từ cho trẻ thì phải chú ý đến từ tượng hình chứ không phải từ tượng thanh. Bằng hình thức nghe nhiều lần lặp đi, lặp lại thì số lượng từ mới đó sẽ khắc sâu hơn trong trẻ. Xây dựng các hệ thống bài tập, trò chơi khác nhau... sẽ phát triển khả năng tiếp thu, quan sát, phát triển các biểu tượng, tư duy..., trên cơ sở đó sẽ phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo. Bà đã đưa ra một số bài tập mở rộng vốn từ, phát triển ý nghĩa từ vựng cho trẻ mẫu giáo như sau: (1) Chọn những định ngữ cho vật thể; (2) Đoán những vật thể theo định ngữ; (3) Chọn những vị ngữ (chỉ hành động) cho vật thể hoặc chọn vật thể căn cứ vào vị ngữ; (4) So sánh sắc thái của từ; (5) Tiếp tục câu bỏ dở; (6) Thêm các mệnh đề phụ; (7) Những bộ phận cấu thành của vật thể; (8) Nói thành câu với từ cho sẵn; (9) Giải câu đố và đặt câu đố; (10) Phân loại vật thể (Tikheeva, 1997).

Nhiều tác giả tiếp cận theo các hướng khác nhau trong dạy trẻ mẫu giáo KPKH, như: đưa ra các hoạt động KPKH cho trẻ mẫu giáo dưới hình thức chơi (Mary & Susan, 2007), xem KPKH như là một phương tiện để giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ mẫu giáo và xây dựng “ngân hàng” các hoạt động KPKH cụ thể nhằm hướng dẫn giáo viên mầm non tổ chức KPKH cho trẻ một cách đa dạng và tạo ra các cơ hội để trẻ tham gia hiệu quả, quá đó PTVT cho trẻ (Thomas, 2011; Bloom, 2006).

Ở Việt Nam, gần đây nhất, trong nghiên cứu của mình, tác giả Nguyễn Thị Nga (2019) đã đưa ra 05 biện pháp trong hoạt động KPKH nhằm phát triển khả năng suy luận cho trẻ 5-6 tuổi, gồm: (1) Tăng cường cho trẻ quan sát; (2) Tăng cường sử dụng tình huống có vấn đề; (3) Tăng cường sử dụng thí nghiệm khoa học đơn giản; (4) Tăng cường sử dụng các dự án KPKH; (5) Tăng cường sử dụng trò chơi học tập.

 - Về tổ chức hoạt động trải nghiệm và thảo luận về các hoạt động đó trong quá trình KPKH nhằm PTVT cho trẻ: Theo hướng này có các tác giả như Smith, Humphyryes... Trong đó, Smith (2011) tập trung nêu phương pháp kích thích sự tìm hiểu thế giới thực vật của trẻ em thông qua các hoạt động như cách trồng cây, cách chăm sóc cây. Qua đó, vốn từ của trẻ về môi trường xung quanh - chủ đề thế giới thực vật, được xuất hiện từ đơn giản đến phức tạp; ngoài việc cung cấp cho trẻ biết tên gọi, các bộ phận của cây xanh, hoa, quả..., trẻ sẽ biết được quá trình phát triển của cây, từ hạt nảy mầm → thành cây → đơm hoa → kết trái. Từ đó, giáo dục cho trẻ ý thức yêu và bảo vệ cây xanh. Ngoài ra, tác giả còn chỉ ra rằng, bên cạnh việc phát triển vốn, hoạt động làm KPKH chủ đề thực vật còn giúp tích hợp thêm các hoạt động khác như toán, nhạc, thể dục... . Lauren Lowry (2012) nhấn mạnh, trong quá trình khám phá thế giới thực vật, nếu trẻ thích thú và chú ý tới bộ phận nào đó của cây, hoa, quả... thì chúng ta có thể cho trẻ nhắc lại từ mới đó về tên gọi, đặc điểm, màu sắc hay công dụng. Đây là cơ hội để cung cấp thêm vốn từ mới có liên quan cho trẻ. Theo tác giả, khi cung cấp từ mới cho trẻ, đặc biệt là trẻ 3-4 tuổi, ta không nên đưa nhiều từ cùng một lúc, mà nên tạo cơ hội, động viên, khuyến khích trẻ diễn đạt để trả lời; nên kết hợp dùng cử chỉ, điệu bộ, nét mặt để trẻ hiểu sâu hơn từ mới đó.

Tìm hiểu về việc cho trẻ thực hành trải nghiệm trong hoạt động KPKH, Janet Humphyryes (2005) cho rằng: trẻ từ 0-6 tuổi luôn khám phá thế giới bằng các giác quan. Trẻ có thể hiểu tốt hơn khi tham gia vào các hoạt động mà qua đó chúng có thể giao tiếp được trực tiếp với thế giới tự nhiên. Giáo viên nên lựa chọn những gì trẻ hứng thú và muốn tìm hiểu. Để giúp trẻ thực hiện được điều này, người lớn cần cho trẻ ra ngoài trời để trẻ được hòa mình vào môi trường tự nhiên và dành thời gian để khám phá nó nhờ các giác quan. Như vậy, cho trẻ được trải nghiệm trên đối tượng là thế giới tự nhiên được các tác giả đề cao tính hiệu quả trong việc PTVT.

Tài liệu tham khảo:

Bộ GD-ĐT (2017). Chương trình giáo dục mầm non (Ban hành theo thông tư số 01/VBHN-BGDĐT ngày 24/01/2017).

Đinh Hồng Thái (2017). Phát triển ngôn ngữ tuổi mầm non. NXB Đại học Sư phạm.

Hồ Lam Hồng (2011). Trẻ mầm non khám phá khoa học. NXB Hà Nội.

Nguyễn Thị Nga (2019). Phát triển khả năng suy luận cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi qua hoạt động khám phá khoa học. Luận án tiến sĩ Khoa học giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Hoàng Thị Phương (2017). Giáo trình Lí luận và phương pháp hướng dẫn trẻ làm quen với môi trường xung quanh. NXB Đại học Sư phạm.

Humphyryes Janet (2005). Khám phá khoa học với trẻ, phát triển chương trình giáo dục mầm non - Kinh nghiệm Singapore. Vụ Giáo dục mầm non - Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

Smith Jodene Lynn (2011). Early Childhood Themes - Plants - Complete Set. Teacher Created Materials, Inc.

Tikheeva E. I. (1997). Phát triển ngôn ngữ cho trẻ trước tuổi học (tài liệu dịch). NXB Hà Nội.

Đăng ký nhập học
Các hoạt động

Đăng ký nhập học

Quí khách vui lòng liên hệ với Rồng Việt School hoặc gọi số Hotline để có thông tin cụ thể. Cảm ơn Quí khách.

Liên Hệ Ngay